Ngày nay, mô hình quản lý chất lượng toàn diện gọi tắt là TQM được nhiều nước trên thế giới đánh giá là một phương pháp quản lý chất lượng mang lại hiệu quả cao. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, việc áp dụng thành công TQM trong các doanh nghiệp Nhật đã giúp cho sản phẩm hàng hóa của nước này trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Sau khi được áp dụng thành công tại Nhật Bản, các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia cũng đã tìm đến và triển khai áp dụng TQM.
Bước khởi đầu hình thành Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện là từ kiểm soát chất lượng toàn diện - TQC (Total Quality Control) do ông Armand V Feigenbaum xây dựng từ những năm 50 (thế kỷ XX) khi ông làm việc ở hãng General Electric với tư cách là một người lãnh đạo của hãng chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng và quản lý sản xuất.
Từ những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, sau chuyến thăm Nhật Bản của Tiến sĩ Deming và Tiến sĩ Juran thì phong trào kiểm soát chất lượng toàn công ty bắt đầu phát triển và ông Ishikawa là người đi đầu trong phong trào đó và ông đã có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của TQM. Đến giữa những năm 60 thì hoạt động kiểm soát chất lượng toàn diện bắt đầu lan rộng ở Nhật Bản. Đó là tiền đề cho việc ra đời của TQM.
“TQM là phương pháp quản lý của một tổ chức doanh nghiệp, định hướng vào chất lượng dựa trên sự tham ra của mọi thành viên nhằm đem lại sự thành công dài hạn thông qua sự cải tiến không ngừng của chất lượng nhằm thoả mãn nhu cầu khách hàng và lợi ích của mọi thành viên của công ty cũng như tham gia đóng góp lợi ích cho xã hội”. TQM ra đời với các ý tưởng cơ bản sau đây:
- Quản lý chất lượng là trách nhiệm của mỗi người, mỗi bộ phận trong công ty;
- Quản lý chất lượng toàn diện là một hoạt động tập thể đòi hỏi phải có những nỗ lực chung của mọi người;
- Quản lý chất lượng toàn diện sẽ đạt hiệu quả cao nếu mọi người trong công ty, từ người lãnh đạo cao nhất của công ty đến công nhân sản xuất, nhân viên vật tư cùng tham gia;
- Quản lý chất lượng toàn diện đòi hỏi phải quản lý có hiệu quả mọi công đoạn trên cơ sở sử dụng vòng quản lý PDCA (Lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, hành động);
- Hoạt động của các nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) là một phần cấu thành quan trọng trong quản lý chất lượng toàn diện.
Các bước triển khai áp dụng TQM và 1 số yếu tố dẫn đến thành công:
Từ kinh nghiệm triển khai ở một số doanh nghiệp Việt Nam, tôi xin khái quát một số bước triển khai TQM như sau:
Bước 1: Phổ biến TQM tới ban lãnh đạo cao cấp của công ty. Ban lãnh đạo cần hiểu rõ các khái niệm và vai trò của TQM đối với việc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các hiểu biết về quản lý chất lượng sẽ giúp cho việc chỉ đạo triển khai dự án thành công.
Bước 2: Cam kết của lãnh đạo về việc triển khai TQM phải được truyền đạt cho tất cả cán bộ công nhân viên trong toàn công ty. Việc truyền đạt này giúp cho cán bộ nhân viên hiểu được định hướng của lãnh đạo và cam kết cung cấp các nguồn lực cho việc thực hiện TQM. Ngoài việc phổ biến các định hướng trong các hoạt động của công ty, ban lãnh đạo cần phải quan tâm sát sao vào các hoạt động TQM trong công ty như việc tham gia học tập, tham gia hoạt động nhóm QC, thiết lập cơ chế khen thưởng các thành tích trong hoạt động TQM trong công ty,…
Bước 3: Tổ chức đào tạo cho cán bộ công nhân viên về TQM và phương pháp triển khai. Khi cán bộ công nhân hiểu rõ các khái niệm và mục tiêu của TQM, các phương pháp và công cụ triển khai thì họ sẽ tích cực hơn vào hoạt động cải tiến chất lượng của tổ chức.
Bước 4: Thiết lập và duy trì hoạt động của các nhóm kiểm soát chất lượng (QCC). Các nhóm kiểm soát chất lượng bao gồm từ 3 – 11 người có liên quan công việc với nhau và tự nguyện tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề đặt ra có liên quan đến chất lượng. Các thành viên của nhóm càng được trang bị nhiều công cụ và hiểu biết tốt thì càng tham gia được nhiều hơn vào quá trình cải tiến chất lượng.
Hoạt động của các nhóm QC có thể được hỗ trợ một cách có hiệu quả bằng nhiều công cụ khác nhau như 7 công cụ kiểm soát chất lượng (7 QC tools), hoạt động Kaizen và 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng), phương pháp giải quyết vấn đề (QC story), phương pháp làm việc nhóm (Teamwork), Giảm chi phí sản xuất và thân thiện với môi trường (PREMA GHK), Duy trì năng suất toàn diện (TPM),…
Bước 5: Đánh giá và kiểm tra tính hiệu quả trong hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng (QCC). Việc kiểm tra và đánh giá này có thể thông qua hoạt động phong trào thi đua giữa các nhóm QC trong toàn công ty hoặc đánh giá hiệu quả của từng nhóm QC đạt được trong từng giai đoạn.
Một số khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng TQM tại các doanh nghiệp Việt nam:
- Các nhà quản lý còn yếu trong các kiến thức về quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến chất lượng. Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp đều hiểu rằng để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm thì cần phải quản lý tốt ở các khâu, các quá trình và các bộ phận, tuy nhiên việc quản lý đó như thế nào, áp dụng tiêu chuẩn hay các công cụ nào thì các nhà lãnh đạo cũng không thể nắm rõ được hết. Do đó khi triển khai TQM trong các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu là từ việc chỉ đạo không sát sao của ban lãnh đạo trong quá trình triển khai.
- Môi trường làm việc nhóm của người lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Mọi người vẫn chưa quen với việc làm việc nhóm và thường thích làm việc một cách độc lập trong công việc. Trong khi đó, TQM cần huy động sự tham gia của tất cả mọi người vào hoạt động cải tiến chất lượng thông qua hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là đặc điểm của người lao động mà có thể do những người lao động này chưa được đào tạo về cách thức hoạt động nhóm, các kỹ năng làm việc nhóm và các công cụ cần phải áp dụng trong quá trình làm việc nhóm.
- Việc trang bị cho người lao động các công cụ để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn ở mức hạn chế. Những người công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ hạn chế, hầu hết đều là công nhân phổ thông và học nghề nên việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó việc đào tạo của doanh nghiệp hay bên ngoài cũng chưa được phù hợp cho đối tượng người học là những người công nhân này. Do đó việc họ tham gia vào các hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Với vai trò ngày càng cao của chất lượng sản phẩm/dịch vụ trong việc thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng, TQM đang trở thành một công cụ quan trọng cho các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Lê Minh Cương